
Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại khoa Kinh tế, UTEHY”
Ngày: 31-12-2024 - Người soạn: Supper Admin
Ngày 30/12/2024, Khoa Kinh tế tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại khoa Kinh tế, UTEHY”. Đây là một trong chuỗi các chương trình ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Kinh tế (2005-2025).
Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Khoa Kinh tế chủ trì Hội thảo phát biểu khai mạc chương trình.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Khoa Kinh tế và TS. Vũ Hồng Sơn - PTP. Quản lý KHCN&HTQT, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đồng chủ trì Hội thảo.
Dự hội thảo có PGS.TS. Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Minh Quý – Phó hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Cơ sở trong Trường, các nhà khoa học quan tâm, đại diện Hội cựu sinh viên và tập thể cán bộ giảng viên trong Khoa.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Khoa Kinh tế khẳng định: “Trong bối cảnh hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những yếu tố sống còn đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học nói chung và Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nói riêng. Nâng cao chất lượng đào tạo đại học có thể được thực hiện với nhiều hình thức khác như: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, quá trình tổ chức và quản lý đào tạo…Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành, thái độ làm việc và kỹ năng mềm cùng tư duy nhạy bén cho sinh viên sẽ giúp họ có khả năng làm việc chủ động và độc lập khi ra trường. Đây vừa là vừa mục tiêu, vừa là cam kết của Khoa Kinh tế nói riêng và của Nhà trường nói chung”.
Hội thảo đã nhận được 33 bài viết của các tác giả trong và ngoài trường. Các bài báo cáo tại hội thảo được phản biện bởi các nhà khoa học có uy tín. Các bài viết trong hội thảo tập trung bàn luận về những vấn đề chính sau:
Một là, Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo sinh viên Khối ngành Kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Hai là, Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam về nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo sinh viên Khối ngành Kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ba là, Thực trạng và bài học kinh nghiệm rút ra về công tác đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Bốn là, Định hướng và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời chúc mừng tới khoa Kinh tế đồng thời nhấn mạnh: Sau gần 20 năm phát triển, với nhiệm vụ đào tạo sinh viên khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh Doanh, khoa Kinh tế đã đào tạo được trên 3.900 sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học và trên 300 học viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ. Đây là kết quả rất đáng trân trọng và tự hào, thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm của tập thể khoa Kinh tế liên tục cải tiến chất lượng đào tạo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Ảnh: PGS.TS. Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, có 06 diễn giả là các giảng viên của khoa Kinh tế và nhà khoa học đến từ trường Đại học uy tín trong nước tham gia trình bày trực tiếp gồm có: TS. Hoàng Văn Hùng – Phó trưởng khoa Kinh tế, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên với nghiên cứu “Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo và bài học cho khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên”; ThS. Trịnh Thị Huyền Trang với nghiên cứu “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên tại khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên”; ThS. Lê Phương Trà với nghiên cứu “Thúc đẩy động lực nội tại thông qua học tập dựa trên trò chơi trong giáo dục đại học ngành kinh tế”; ThS. Đoàn Thị Thu Hương với nghiên cứu "Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên Khoa kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên"; TS. Đỗ Thị Thảnh với nghiên cứu “Vai trò của Chatbot ai đối với quá trình giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trong xu thế công nghệ 4.0” và TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Đại học Phenika với nghiên cứu “Một số đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Kinh tế theo định hướng ứng dụng”.
Ảnh: Các diễn giả trình bày tại Hội thảo.
Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự tiếp tục chia sẻ nhiều ý kiến trao đổi, đặc biệt nhấn mạnh đến những vấn đề đặt ra đối với hoạt động kinh nghiệm, thực trạng và bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại địa bàn tỉnh Hưng Yên nói chung và khoa Kinh tế nói riêng. Hội thảo cũng đề xuất những định hướng, giải pháp về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ giảng viên, về chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán và Kinh tế của Khoa.
Ảnh: Các đại biểu chia sẻ ý kiến trao đổi tại Hội thảo.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Khoa Kinh tế đã tổng kết những nội dung quan trọng đã được thảo luận và một lần nữa nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của đội ngũ giảng viên và môi trường học tập, giảng viên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín, vị thế của Khoa và Nhà trường. Do đó, để phát triển đội ngũ giảng viên thì trước tiên mỗi giảng viên phải thường xuyên tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng; phải có tư duy mở, linh hoạt, chủ động tiếp cận tri thức để lựa chọn phương pháp phù hợp với chuyên môn và đối tượng đào tạo. Tiếp đến là phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn trường và nhất là của tập thể lãnh đạo trường, Nhà trường phải tạo ra một hệ sinh thái đào tạo dân chủ, sáng tạo để thúc đẩy tính tích cực của mỗi giảng viên và thu hút nhân tài; phải đầu tư nâng cấp và cải thiện những điều kiện tốt nhất về môi trường học tập như trang thiết bị và dịch vụ hỗ trợ cho phòng học lý thuyết, thực hành và tự học của sinh viên; phải ban hành chế độ khuyến khích sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, tham gia các câu lạc bộ học thuật và sinh hoạt ngoại khóa…
Ảnh: Các đại biểu tham gia Hội thảo.
Hội thảo đã khép lại thành công với nhiều tín hiệu tích cực, đây là bước đệm cần thiết để khoa Kinh tế tiếp tục phát huy vai trò trong công cuộc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.